...

Nhật Bản là một đất nước như thế nào!?

Khi được hỏi cảm tưởng về Nhật Bản, nhiều bạn du học sinh, thực tập sinh người Việt Nam tại Nhật Bản đã trả lời “Con người thân thiện”, “Món ăn ngon”, “Đường phố sạch sẽ”, “Phong cảnh đẹp”, “Tàu điện tiện lợi”. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu tổng quan về đất nước Nhật Bản tới các bạn – những người sẽ tới Nhật Bản.

  • Vị trí

Nhật Bản gồm có 4 đảo chính là Hokkaido, Honshu, Shikoku, Kyushu, và hơn 6.800 đảo nhỏ xung quanh, trải dài từ Bắc đến Nam là 3000km. Diện tích khoảng 377.900km2 gấp khoảng 1,14 lần diện tích của Việt Nam (khoảng 331.200 km2). Nếu không tính Kyushu và Okinawa, thì diện tích Nhật Bản sẽ gần bằng với diện tích của Việt Nam.

Địa hình Nhật Bản có nhiều đồi núi. Đồi núi chiếm tới 75% diện tích lãnh thổ. Vì có nhiều núi lửa nên trên toàn Nhật Bản nơi nào cũng có suối nước nóng. Núi Phú Sỹ nổi tiếng cũng là một ngọn núi lửa, là núi cao nhất của Nhật Bản (3.776m so với mặt biển). 
Núi Phú Sỹ
Suối nước nóng
  • Dân số

Dân số Nhật Bản vào ngày 1/1/2019 là 124.776.364 người, giảm 434.239 người so với năm trước đó. Năm 2005 là năm đầu tiên dân số Nhật Bản giảm. Từ nửa sau những năm 2000, dân số liên tục giảm, với số trẻ em giảm, số người già ngày càng gia tăng. Ước tính vào năm 2060, dân số Nhật Bản sẽ chỉ còn 100 triệu người. Dân số Việt Nam hiện nay khoảng 92.700.000 người, nhưng hàng năm đều tăng, nên khoảng năm 2040 dân số Việt Nam sẽ vượt Nhật Bản.

  •  Khí hậu và các mùa

Nhật Bản là nước ôn đới, quanh năm khí hậu ôn hòa, có bốn mùa xuân hạ thu đông, mà nhiệt độ giữa mùa hè và mùa đông chênh nhau rất lớn. Mùa hè, phía bờ biển Thái Bình Dương có mưa nhiều. Mùa đông phía bờ biển Nhật Bản tuyết rơi nhiều. Vì hình dáng Nhật Bản cũng thuôn dài từ Bắc đến Nam như Việt Nam, nên cực Bắc là vùng Hokkaido mùa hè mát lạnh, mùa đông rất lạnh. Còn cực Nam là đảo Okinawa thì mùa đông lại không lạnh lắm. Từ mùa hè tới mùa thu, thường có nhiều bão kéo theo nhiều thiên tai. Ngoài vùng Hokkaido ra, từ giữa tháng 6 trở đi là mùa mưa, mưa rất nhiều. Hơn nữa, Nhật Bản cũng là đất nước của động đất.

Mùa xuân (Fukuoka)
Mùa hạ (Fukuoka)
Mùa thu (Yamagata)
Mùa đông (Yamagata)
Mùa đông (Gifu)
Mùa đông: Trượt tuyết
  • Đô thị

Thủ đô là Tokyo, các thành phố lớn có thành phố Sapporo thuộc Hokkaido, thành phố Sendai thuộc Đông Bắc, thành phố Nagoya thuộc Trung Bộ, thành phố Osaka thuộc vùng Kansai, thành phố Kyoto, thành phố Fukuoka thuộc vùng Kyushu. Ở Việt Nam có 5 thành phố lớn trực thuộc trung ương và 58 tỉnh, nhưng ở Nhật Bản, toàn quốc chia thành 47 khu vực lớn gọi là đô-đạo-phủ-tỉnh, mỗi khu vực này lại chia nhỏ thành các thành phố-thị trấn-làng xã.

Tokyo
Có 12 thành phố với dân số hơn 1 triệu người. Theo thứ tự dân số, đông nhất là Thủ đô Tokyo, rồi đến Yokohama, Osaka, Nagoya, Sapporo, Kobe, Kyoto, Fukuoka, Kawasaki, Saitama, Hiroshima, Sendai.
Yokohama
Osaka
Kobe
Kyoto
Fukuoka
  • Giao thông

Ở Nhật Bản, phương tiện giao thông công cộng rất phát triển. Dù không có xe hơi hay xe máy, nhưng đi lại vẫn rất thuận tiện. Tuy nhiên, Nhật Bản lại bị người nước ngoài chỉ trích là “tiền tàu đắt quá”.

  • Máy bay

Có rất nhiều hãng hàng không. Cũng có những hãng hàng không giá rẻ (LCC) như Peach, Jetstar với rất nhiều chuyến bay.

Peach Aviation

Jetstar

  • Đường sắt

Nhật Bản có mạng lưới đường sắt chạy trên toàn quốc, nổi tiếng thế giới vì giờ chạy rất chính xác. Đường sắt cao tốc (Shinkansen) cũng chạy từ Hokkaido tới Kyushu. Ở các thành phố lớn như Tokyo, Osaka, Nagoya, Kyoto, Fukuoka, Sapporo còn có hệ thống tàu điện ngầm, góp phần to lớn tháo gỡ ùn tắc giao thông.

Người dân đi làm bằng tàu điện ở Tokyo
  • Đường bộ

Ngược lại với Việt Nam, xe ô tô và xe máy ở Nhật Bản chạy phía bên trái của đường. Cũng có rất nhiều tuyến đường cao tốc, mà hầu hết đều mất phí. Luật lệ giao thông được quy định nghiêm ngặt, người vi phạm luật lệ giao thông sẽ bị phạt (phạt tiền v.v…) Tuân thủ đèn giao thông là đương nhiên. Còn đối với những người vi phạm tốc độ, uống rượu khi lái xe, không cài dây an toàn, không đội mũ bảo hiểm thì sẽ bị cảnh sát giám sát rất nghiêm khắc.

Đường cao tốc

Rất nhiều người Việt Nam đi xe máy, nhưng bằng lái xe của Việt Nam không dùng được ở Nhật Bản. Muốn lái xe thì bạn cần phải đổi bằng lái xe, và cần phải thi đỗ trong kỳ thi viết và bài kiểm tra thực hành đơn giản. Hơn nữa, với xe máy dưới 50 phân khối thì cấm đi 2 người đèo nhau.

  • Sinh hoạt (Ăn – Mặc – Ở)
  • Quần áo

Cũng như người Việt Nam, người Nhật cơ bản là mặc âu phục. Trong công việc, thường nam giới mặc comple và thắt cà vạt, nhưng ở trong hầu hết các cơ quan xí nghiệp, từ tháng 5 tới tháng 9 áp dụng thời trang “cool business” không mặc áo véc và không thắt cà vạt. Tùy theo mùa mà độ nóng lạnh chênh nhau nhiều, nên quần áo mùa hè và mùa đông rất khác nhau.

Cũng có rất nhiều cửa hàng bán trang phục bình dân. Ví dụ như “Uniqlo” – hãng nổi tiếng ở cả Việt Nam – có cửa hàng trên mọi miền của Nhật Bản, cũng được du học sinh và thực tập sinh người Việt Nam rất ưa chuộng.

UNIQLO
Cũng như Áo Dài của Việt Nam, trang phục truyền thống của Nhật Bản là “Kimono”. Đa số, kimono được mặc vào các dịp lễ nghi hay sự kiện đặc biệt. Kimono được may bằng vải tơ tằm. Mùa hè thì người Nhật thường mặc áo “Yukata” được may bằng vải bông, thiết kế đơn giản hơn so với kimono. Du học sinh và thực tập sinh các thế hệ trước cũng rất thích thú trải nghiệm trang phục Nhật Bản như là thuê áo Kimono và ngắm cảnh ở Kyoto, hay là thuê áo Yukata và đi lễ hội pháo hoa ở các miền của Nhật Bản. 
Thuê mượn áo Yukata giữa các bạn thực tập sinh với nhau
  • Món ăn

Món ăn Nhật Bản được yêu chuộng trên toàn thế giới. Có nhiều món ăn từ cá, nhưng món ăn từ thịt cũng rất nhiều, Nhật Bản là một đất nước có nhiều món ăn phong phú. Các món ăn thuần Nhật tiêu biểu như sushi (cơm trộn dấm ăn với cá sống), sashimi (cá sống ăn với cơm trắng), tempura (tôm và rau củ tẩm bột chiên), sukiyaki (lẩu thịt bò ăn với trứng sống), shabushabu (thịt bò nhúng) cũng được người Việt Nam rất ưa thích.

“Osechi”- món ăn ngày Tết cổ truyền của người Nhật
Sashimi (cá sống)
Ở Nhật Bản, mọi người cũng rất thích mì ramen

Hiện nay, các gia đình ít mua sắm thực phẩm ở cửa hàng bán lẻ mà phần lớn mua ở các siêu thị. Số cửa hàng siêu thị ở Nhật Bản cao hơn ở Việt Nam nhiều.

Siêu thị
Người Nhật rất thích món ăn Việt Nam, vì vậy số cửa hàng món ăn Việt Nam tăng lên hàng năm. Hơn nữa, trên toàn quốc ngày càng nhiều sự kiện liên quan đến Việt Nam, như “Lễ hội Việt Nam” được tổ chức vào mùa xuân hàng năm ở Tokyo với rất nhiều cửa hàng món ăn Việt Nam tham gia.
  • Nhà ở

Những căn nhà riêng bằng gỗ đã từng phổ biến trong lịch sử, nhưng ngày nay còn có nhiều khu chung cư, nhà tập thể. Ở những thành phố lớn, cũng giống như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, có nhiều tòa chung cư chọc trời (tháp chung cư – tower mansion) được rao bán với giá rất cao. Nhà ở hay ký túc xá của du học sinh và thực tập sinh thường là các khu nhà tập thể, nhưng cũng có nhiều công ty thuê một khu chung cư để làm nơi ở cho nhân viên của mình. Khi lựa chọn nơi mình sẽ thực tập, các bạn hãy xác nhận nội dung ký túc xá, tiền thuê phòng. Mặt khác, hơn 70% du học sinh là thuê nhà ở, và nhiều bạn chọn cách thuê chung nhà với bạn khác.

    Tháp chung cư Tokyo
  • Văn hóa
  • Thể thao

Môn thể thao truyền thống là vật “sumo”, nhưng môn có nhiều người hâm mộ nhất lại là bóng chày. Bóng đá cũng rất phát triển, từ năm 1998, tuyển Nhật Bản 6 lần liên tiếp dự giải vô địch world cup thế giới. Hơn nữa, năm 2019 Nhật Bản đăng cai tổ chức giải bóng bầu dục thế giới, đội tuyển Nhật Bản lọt vào vòng bán kết thành tâm điểm được chú ý.

Giải bóng bầu dục thế giới 2019
  • Âm nhạc – Nghệ thuật

Trong các môn nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản, nghệ thuật sân khấu có kịch “Noh” và kịch “Kabuki”. Kịch Noh được thành lập vào những năm 1300, kịch Kabuki thì ra đời vào những năm 1600. Cũng có những nhạc cụ truyền thống là sáo và trống Nhật Bản. Ngoài ra, âm nhạc cổ điển cũng rất thịnh hành, các nơi trên toàn quốc đều có dàn hợp xướng, có nhiều nghệ sỹ đã nhận giải thưởng tại các cuộc thi ở châu Âu và Mỹ.

Việt Nam có rất nhiều người thích karaoke – nét văn hóa xuất phát từ Nhật Bản. Ban đầu là băng cát sét. Dù không có dàn nhạc hòa tấu, chỉ cần ca sỹ thôi cũng có thể làm nên buổi diễn, hay chương trình truyền hình. Từ điểm tiện dụng như vậy karaoke trở nên phổ biến, lan rộng tới các nhà hàng ăn uống, cuối cùng hình thành nên những phòng chuyên để hát karaoke. Karaoke đã ra đời và phát triển như vậy.

  • Phim hoạt hình

Vào những năm 1930, ở Nhật bắt đầu có truyện tranh cho trẻ em. Vào những năm 1960 việc phát hành tạp chí truyện tranh hàng tuần phát triển nhanh chóng. Những truyện tranh được đăng tải trên các tuần san được biên tập lại thành sách bìa cứng. Sau đó chúng được chuyển thể thành phim hoạt hình phát trên tivi. Ở Việt Nam, cũng có nhiều phim hoạt hình Nhật Bản được mọi người yêu thích, như “Đô-ra-e-môn”, “Shin Cậu bé bút chì”, “Thám tử lừng danh Cô-nan”, “Đảo hải tặc Onepiece”, “Pokemon star”.

Nguồn: Kokoro

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now