Những tòa lâu đài cổ, đồ sộ của nước Đức không chỉ đơn thuần là nơi ở của hoàng gia hay giới quý tộc. Chúng còn là hiện thân của các lối kiến trúc cổ và giá trị lịch sử lâu đời.
Neuschwanstein tọa lạc tại làng Schwangau, miền Nam nước Đức, do vua Ludwig II của xứ Bavaria cho xây dựng từ năm 1869. Neuschwanstein có nghĩa “viên đá thiên nga mới” (New Swan Stone), lấy ý tưởng dựa trên nhân vật hiệp sĩ “Swan Knight” trong vở nhạc kịch nổi tiếng của Richard Wagner, nhà soạn nhạc người Đức. Lâu đài mở cửa cho công chúng tham quan từ năm 1886 và hiện là một trong những lâu đài được tham quan nhiều nhất thế giới.
Ảnh: EuroCentre.
Wartburg nằm giữa cánh rừng Thuringian cạnh thị trấn Eisenach, là một trong những di tích lịch sử còn sót lại từ thời Trung cổ của Đức. Lâu đài này được Bá tước Ludwig der Springer cho xây dựng vào năm 1067. Tại đây, Martin Luther, nhà thần học người Đức, đã dịch kinh Tân Ước từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Đức, viết 14 luận văn về thần học và rao giảng luận thuyết của mình về cải cách tôn giáo. Tư tưởng của ông bị Giáo hội Công giáo La Mã phản ứng dữ dội, ông đã bị rút phép thông công bởi Đức giáo hoàng Leo X và phải tạm trú tại Wartburg dưới sự bảo hộ của vua Frederick III trong suốt 10 tháng. Lâu đài sau đó bị bỏ hoang vài thế kỷ và được trùng tu vào thời kỳ lãng mạn (thế kỷ 19). Lâu đài này được UNESCO liệt kê vào danh sách di sản thế giới vào năm 1999.
Ảnh: Flickr.
Glücksburg, còn được gọi là lâu đài nước, nằm ở thị trấn cùng tên ở miền Bắc nước Đức. Tòa lâu đài được công tước nhà Schleswig-Holstein-Sonderburg cho xây dựng trên mặt hồ nước nhân tạo vào thời kỳ Phục Hưng (1583-1587). Glücksburg là nơi ở của các vị vua Đan Mạch. Khuôn viên rộng lớn của lâu đài hiện được tận dụng để tổ chức lễ hội và sự kiện hàng năm. Lâu đài trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng của Glücksburg. Ngoài ra, nó còn được coi là viện bảo tàng tư nhân, nơi lưu giữ những tấm thảm, các bức chân dung quan trọng trong nền lịch sử Đức.
Ảnh: Fotocommunity.
Lâu đài Schwerin được xây dựng trên hòn đảo nằm giữa lòng hồ nước của thành phố Schwerin vào năm 1857. Tòa lâu đài được cho là nơi ở của một bóng ma mang tên Petermännchen. Hồn ma này được miêu tả như một sinh vật nhỏ bé, thiện lành, lẩn quẩn trong những góc khuất để quan sát và giữ trật tự trong lâu đài. Hiện nay, phần lớn các khu vực được tận dụng cho mục đích du lịch, với một số nơi còn lại dùng làm dinh thự Nghị viện của bang Mecklenburg-Vorpommern.
Ảnh: Wikipedia.
Lâu đài Wernigerode tọa lạc trên đỉnh núi Harz ở miền Bắc nước Đức. Nơi đây từng là nhà nghỉ săn bắn của những nhà cầm quyền và giới quý tộc địa phương vào thế kỷ 12. Vào cuối thời Trung cổ, lâu đài được dùng làm pháo đài. Mãi đến thế kỷ 19, tòa lâu đài mới sở hữu nét đặc trưng của kiến trúc lãng mạn sau nhiều năm xây dựng.
Ảnh: Explorest.
Lâu đài Zwinger tọa lạc tại thành phố Dresden ở miền Đông nước Đức, là đại diện tiêu biểu của các công trình mang kiến trúc Baroque. Đây là phong cách xây dựng, thiết kế và nghệ thuật cao cấp bắt nguồn từ Italy trong thế kỷ 17. Zwinger được thiết kế bởi kiến trúc sư Matthäus Daniel Pöppelmann vào thế kỷ 18 và được chính quyền quân sự Liên Xô khôi phục sau Thế chiến II.
Ảnh: Culture Trip.
Cung điện Charlottenburg là cung điện lớn nhất Berlin, được xây dựng vào những năm 1695-1699. Nơi đây từng được vua Frederick III cho xây dựng để phục vụ riêng hoàng hậu Sophie Charlotte. Charlottenburg từng bị hủy hoại toàn bộ trong Thế chiến II, nhưng sau đó đã được người dân khôi phục hoàn toàn. Nơi đây thường xuyên tổ chức lễ hội và lễ kỷ niệm hàng năm. Cung điện Charlottenburg là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch nhất của thành phố Berlin. Ngoài ra, nơi đây còn nổi tiếng với những khu vườn được thiết kế theo kiến trúc Baroque vào thế kỷ 19.
Ảnh: Pixabay.