Nhiều gia đình nghèo, cận nghèo, khó khăn trong tỉnh sau khi cho con em đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài, hiện nay không chỉ thoát nghèo, xây dựng nhà khang trang, mà còn có khả năng đầu tư vào sản xuất – kinh doanh, ổn định kinh tế gia đình.
Ngoài ra, bản thân người lao động đã “hấp thụ” được những giá trị tích cực trong việc làm, kinh nghiệm, định hướng tương lai… Đó là những ưu điểm được chính người trong cuộc chỉ ra để tỉnh khuyến khích lao động quan tâm đến cơ hội đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài.
Anh Nguyễn Minh Hoàng (25 tuổi, ngụ TP. Long Xuyên, An Giang) từng đi làm ở Nhật Bản chia sẻ, trước đây điều kiện kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, anh tìm đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thì được tư vấn và tham gia học tập, đào tạo về ngôn ngữ, tìm hiểu văn hóa, việc làm của người Nhật.
Tháng 8-2015, anh Hoàng xuất cảnh đi làm việc theo hợp đồng, sau 3 năm trở về thu được số vốn hơn 500 triệu đồng cùng kinh nghiệm. Anh giúp đỡ gia đình lập mô hình vườn ao chuồng, riêng bản thân mở được 3 tiệm phụ kiện điện thoại ở TP. Long Xuyên.
“Từ trải nghiệm của bản thân, tôi nhắn nhủ với các bậc phụ huynh hãy an tâm đưa con em đi xuất khẩu lao động để sau này có được kinh nghiệm, kiến thức, định hướng được tương lai”- anh Hoàng thông tin.
Tương tự, anh Nguyễn Hữu Bửu Hưng (Chợ Mới), trong quá trình chờ xin việc làm sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nghề An Giang đã được sự giới thiệu của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để đi làm việc ở Nhật Bản từ tháng 10-2016. Sau 3 năm làm ở lĩnh vực sản xuất rau hữu cơ, trừ hết chi phí sinh hoạt, anh tích lũy được 650 triệu đồng.
Anh Hưng cho biết, hiện đang cùng gia đình đầu tư nhà màng 2.600m2 trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, mỗi vụ lời 30 triệu đồng/1.000m2 và đăng ký chờ hoàn tất hồ sơ thủ tục để tiếp tục đi làm lần 2, mong muốn tích lũy thêm vốn và kinh nghiệm công việc, sau này đầu tư vào việc sản xuất – kinh doanh của gia đình.
Những năm qua, công tác thông tin, tuyên truyền về lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng luôn được tỉnh quan tâm. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cùng các địa phương, tổ chức chính trị, đoàn thể chủ động triển khai các chính sách hỗ trợ cho người lao động theo đề án của tỉnh. Trong đó có chính sách hỗ trợ chi phí ban đầu, chính sách hỗ trợ vay vốn tín chấp được nâng lên 80 triệu đồng/lao động.
Thực hiện Đề án “Tăng cường đưa lao động An Giang đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2016-2020”, tỉnh đã đưa được 1.886 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, chủ yếu tập trung ở các thị trường có thu nhập cao, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…
Qua khảo sát, lao động An Giang đi làm việc tại các thị trường này hầu hết đều có điều kiện làm việc tốt và thu nhập ổn định.
Tỉnh đã thực hiện giải ngân vốn vay tín chấp cho 415 lao động, với số tiền gần 19,2 tỷ đồng (trong đó chủ yếu là thị trường Nhật Bản với 349 lao động, chiếm 84% tổng số lao động nước ngoài của tỉnh An Giang). Đồng thời, hỗ trợ chi phí ban đầu như: khám sức khỏe, học ngoại ngữ, học giáo dục định hướng nghề nghiệp cho 228 lao động với số tiền hơn 555 triệu đồng.
Bên cạnh kết quả đạt được, nhìn nhận chung, số lượng lao động ra nước ngoài làm việc còn thấp so với tiềm năng lao động của tỉnh. Một số địa phương chưa tích cực, chủ động trong việc mời gọi, phối hợp liên kết với các doanh nghiệp có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài để tăng cường hoạt động tư vấn, tạo nguồn, tuyển dụng lao động tại địa phương và hỗ trợ người lao động về thông tin thị trường lao động.
Do đó, năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu đưa từ 300 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Giai đoạn 2021-2025, mỗi năm có từ 300-500 lao động đi làm việc.
Để thực hiện mục tiêu này, các cấp, ngành trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đặc biệt là lao động trẻ, lao động ở các vùng nông thôn, bộ đội xuất ngũ, sinh viên các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Phước nhấn mạnh một số giải pháp, trong đó cần xây dựng chính sách hỗ trợ tín dụng cho người xuất khẩu lao động phù hợp với nhu cầu của hợp đồng lao động cũng như thực tế của tỉnh.
Bên cạnh đó cần gắn kết với việc nâng cao chất lượng nguồn lao động tại địa phương đáp ứng yêu cầu lao động xuất khẩu; tăng cường tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu lao động.
Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người xuất khẩu lao động ở nước ngoài, có ý thức tôn trọng, tuân thủ quy định pháp luật của nước sở tại đang làm việc, các ngành chức năng tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người lao động, tích cực hỗ trợ người xuất khẩu lao động trong quá trình đào tạo và làm việc ở nước ngoài.