SPEC là cụm từ viết tắt của specification (đặc điểm). Ở Hàn Quốc, cụm từ này được sử dụng để chỉ 9 điều kiện mà một ứng cử viên cần phải có khi nộp hồ sơ xin việc. Các nhà tuyển dụng cho rằng một ứng cử viên phải đáp ứng đủ SPEC thì mới có đủ khả năng để hoàn thành tốt công việc của mình.
Hôm nay, Bao Son Education sẽ cùng điểm qua 4 tiêu chí đầu tiên của SPEC.
So với Việt Nam, quá trình chuẩn bị tìm việc cũng như tìm được việc của người Hàn khó khăn và mất nhiều thời gian hơn nhiều. Ở Hàn Quốc, đa số sinh viên mới tốt nghiệp cần dành ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm để chuẩn bị trước khi có thể bắt đầu tìm kiếm việc làm.
Với mức cạnh tranh cao trong tìm kiếm việc làm, những người trẻ ở Hàn Quốc hiện nay cần phải chuẩn bị cho bản thân một loạt kỹ năng và chứng chỉ khác ngoài bằng đại học nếu muốn đảm bảo có một công việc ổn định. Đối với những ai quan tâm đến việc làm ở Hàn Quốc, dưới đây là 4 chứng chỉ kỹ năng cần có.
1. Kinh nghiệm thực tập
Kinh nghiệm thực tập cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình học tập. Tuy nhiên, đa số sinh viên Hàn Quốc đều rất bận rộn với việc học và tập trung chủ yếu vào việc học từ sách giáo trình, do đó không có nhiều sinh viên tham gia thực tập. Báo cáo cho thấy hơn 85% ứng viên chưa có bất kỳ kinh nghiệm thực tập trước đó hoặc đã thực tập trong lĩnh vực không phù hợp với chuyên ngành của mình.
2. GPA cao
Ở Hàn Quốc, điểm tổng kết (GPA) cao là một yếu tố quan trọng khi xin việc thành công. Mặc dù hầu hết các công ty tại Hàn Quốc không có quy định về điểm trung bình tối thiểu để vượt qua vòng hồ sơ, nhưng thông qua trang web của Jobkorea, ta có thể thấy rằng những ứng viên được lựa chọn thường có GPA từ 3,68 trở lên (trên thang điểm 4,3 hoặc 4,5 tùy thuộc vào từng trường đại học). Với tính toán trên thang điểm 10, điểm này tương đương với 8,18/10 – một mức điểm khá cao.
Mặc dù điểm số không phải là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình học tập, ở Hàn Quốc, điểm số phản ánh khả năng và sự cống hiến của học sinh. Không có gì ngạc nhiên khi hầu hết các học sinh Hàn Quốc phải nỗ lực rất nhiều trong việc học tập. Việc học đến tận 10 giờ tối là điều bình thường, kể cả đối với học sinh cấp 1.
3. Chứng chỉ tiếng Anh TOEIC
Nếu bạn đến Hàn Quốc, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy sự xuất hiện rầm rộ của quảng cáo trung tâm luyện thi TOEIC với những cam kết đạt từ 700 điểm trở lên. Thực tế là ở Việt Nam cũng tương tự, tiếng Anh đã trở thành một trong những kỹ năng quan trọng để có thể xin được một công việc tốt. Một thông tin tuyển dụng từ Hyundai Transys cho biết, để ứng tuyển tại công ty này, điều kiện tối thiểu là phải đạt điểm TOEIC từ 839 trở lên.
Một điều gây ngạc nhiên là hầu hết các bạn trẻ Hàn Quốc đều có điểm TOEIC rất cao, và có những người đạt tới 900 điểm, tuy nhiên khả năng giao tiếp tiếng Anh của họ lại không tốt hơn một chút nào. Điểm TOEIC cao không đồng nghĩa với khả năng sử dụng tiếng Anh một cách lưu loát. Vì sao lại như vậy? Lý do là khi họ học tại các trung tâm, họ chỉ tập trung vào việc học cách trả lời câu hỏi trong bài thi mà thôi, không chú trọng đến khả năng giao tiếp thực tế.
4. Giấy chứng nhận du học nước ngoài
Ngoài việc giành được một suất học bổng ở nước ngoài thì cách duy nhất để các học sinh, sinh viên Hàn Quốc giành được giấy chứng nhận du học đó là đi học theo con đường tự túc.
Để hoàn thiện SPEC, những bạn trẻ Hàn Quốc chỉ biết điên cuồng lao đầu vào những guồng quay công việc để hoàn thiện SPEC cho mình mà không hề chú tâm tới mục đích thật sự vì sao mình phải làm như vậy. Họ học tới 2-3 ngoại ngữ, tự kiếm cho mình thật nhiều chứng chỉ và các bằng cấp nước ngoài. Có thể thấy rằng, trên thực tế SPEC có rất nhiều mặt trái, vì vậy không nên để bản thân trở thành nô lệ của SPEC.